Banner

Chuyên gia đánh giá cao tốc TP.HCM đi Bình phước sẽ thực sự cần thiết cho sự kết nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam bộ và khu vực Tây Nguyên.

Ngày 10-3, đại diện ba Sở GTVT gồm Bình Dương, Bình Phước và TP.HCM đã họp bàn về việc nghiên cứu tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Chơn Thành (Bình Phước).

Quốc lộ 14, một trong các tuyến đường huyết mạch từ Bình Dương đi Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên, hiện cũng đã quá tải vào các dịp lễ, tết. Ảnh: VÕ NGUYÊN

Đây là tuyến cao tốc đã được Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Phù hợp với chi tiết quy hoạch đường Hồ Chí Minh

Đối với tuyến cao tốc này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước phối hợp với Bộ GTVT triển khai nghiên cứu đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm khả thi, hiệu quả.

Theo đó, tỉnh Bình Phước và Bộ GTVT kiến nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định theo hai phương án đầu tư. Trường hợp kịp đưa nguồn vốn đầu tư vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, các cơ quan trên kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT là cơ quan quản lý nhà nước triển khai dự án.

Trường hợp không thể bố trí vốn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị giao tỉnh Bình Phước là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án.

Bộ GTVT đánh giá tuyến cao tốc này phù hợp quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh và quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam.

Hiện nay, phương tiện từ TP.HCM đi qua Thủ Dầu Một (Bình Dương) theo quốc lộ 13 đến tỉnh Bình Phước phải đi quãng đường dài khoảng 120 km. Theo đó, sau khi xây dựng tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ tăng tính kết nối, nâng cao năng lực vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cụ thể, theo quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh, Thủ tướng đồng ý đầu tư tuyến cao tốc này trong giai đoạn 3 của kế hoạch phân kỳ đầu tư sau năm 2020. Cụ thể, dự án sẽ có quy mô sáu làn xe nhằm hoàn chỉnh, đồng bộ toàn tuyến đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch.

Bộ GTVT cho hay bộ đã giao Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo đó, đơn vị tư vấn đang cân nhắc ba phương án thiết kế đường cao tốc này.

Phương án 1: Tuyến có điểm đầu tại Bình Chuẩn, điểm cuối tại Chơn Thành (đi theo hướng tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn). Theo phương án này, dự án có chiều dài 55,6 km, tổng mức đầu tư 33.000 tỉ đồng.

Phương án 2: Tuyến có điểm đầu tại nút giao An Phú, điểm cuối tại Chơn Thành (đi theo tỉnh lộ 743, 745). Theo phương án này, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 27.500 tỉ đồng.

Phương án 3: Tuyến có điểm đầu tại Bình Chuẩn, điểm cuối tại Chơn Thành (đi trùng theo hành lang đường sắt quy hoạch TP.HCM - Lộc Ninh). Theo phương án này, cao tốc có chiều dài 55,9 km, tổng mức đầu tư 21.600 tỉ đồng.

Cần hoàn thiện mạng lưới kết nối phía đông

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, nhận định cao tốc TP.HCM đi Bình Phước thực sự cần thiết cho sự kết nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam bộ và khu vực Tây Nguyên. Có thể thấy Bình Dương, Bình Phước là những địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế, song nhiều năm nay hạ tầng giao thông đang hạn chế đà phát triển này. Đơn cử như quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn đã bị kẹt xe nghiêm trọng.

“Do đó, chúng ta cần hoàn thiện mạng lưới kết nối vùng lên phía đông, khu vực Tây Nguyên để đảm bảo phát triển kinh tế địa phương” - ông Sơn cho hay.

Theo ông Sơn, cùng với việc triển khai dự án này thì ngành giao thông cũng cần có một bố cục tổng thể, bao gồm tổng thể liên kết vùng. Từ một bức tranh về giao thông với những điểm được, chưa được và trên cơ sở đó sớm đề ra các mục tiêu quan trọng để có thể khép kín các tuyến đường vành đai và thúc đẩy làm các đường cao tốc.

Ông Sơn cho rằng ngay từ khi nghiên cứu tiền khả thi dự án, Nhà nước cần đưa ra các biện pháp để mời gọi nhà đầu tư và cần làm rõ các điểm ưu việt mới có thể thu hút được.

TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT thuộc Trường ĐH Việt Đức, cho rằng TP.HCM phát triển hạ tầng cũng cần có sự công bằng. Cụ thể là tạo điều kiện cho các tỉnh kết nối với TP.HCM có cơ hội tiếp cận thị trường, có thể xuất khẩu được nông sản ở vùng đó. Trong đó, đối với trục Bắc - Nam cần sớm triển khai trục Bình Phước - Bình Dương - TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu.

TS Tuấn lý giải: Các tỉnh từ Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và TP.HCM đã có hơn 30 triệu dân, chiếm hơn 1/2 dân số Việt Nam. Từ đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ các vùng về TP.HCM sẽ ngày càng tăng. Nghĩa là nhu cầu vận tải hàng hóa từ các tỉnh với TP.HCM và Đông Nam bộ ngày càng gia tăng. Trung bình một năm tăng 10%-12% và cứ 5-6 năm, nhu cầu vận chuyển sẽ tăng gấp đôi.

Từ đó, các vùng cũng đặt ra yêu cầu phải tăng cường mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông để phục vụ sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và du lịch. Nhà nước phải đưa ra biện pháp để giảm thiểu thời gian đi lại thông qua việc cải thiện các tuyến đường bộ, đường quốc gia bằng mạng lưới đường cao tốc.

Quốc lộ 14, một trong các tuyến đường huyết mạch từ Bình Dương đi Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên, hiện cũng đã quá tải vào các dịp lễ, tết. Ảnh: VÕ NGUYÊN

Nguồn: Baomoi.com

X