Banner

Củ Chi, ngày cuối năm!

Sự liên tưởng về địa danh Củ Chi của người viết có được là bởi tự lúc nào, một quán mang tên phở bò tơ Củ Chi hiện diện trên đường Trần Quốc Thảo (Q.3, TP.HCM). 
 
Bò tơ và... nắng!
Quán vỏn vẹn chỉ có 4, 5 bàn, lối vào chỉ khoảng 2 m, nhưng khá đông khách. Quán đặt tên ông Năm, của một người đàn ông luống tuổi người Bắc vào nam đã lâu. Hơi chật nhưng nước phở ngon, sợi phở dai, thịt bò mềm. Đặc biệt, bên mỗi vách cạnh bàn đều có một màn hình, để khách tự vừa ăn vừa trông xe mình đậu trước cửa, qua camera chủ quán chú tâm lắp đặt.
Nhưng cái “nhãn” bò tơ Củ Chi có lẽ là điều khiến nhiều người chú ý. Vì xứ ấy nổi danh đặc sản thịt bò tơ. Đi trên QL22, dài theo đường Trường Chinh, lên cầu An Hạ bắc qua con kênh rộng là sẽ thấy những quán rao mời món đặc sản này.
Củ Chi, ngày cuối năm! - ảnh 1

Xe bán đặc sản bò tơ Củ Chi dọc QL22

Củ Chi ngày cuối năm, đúng lễ Giáng sinh ngập tràn nắng, thay cho chút sương se lạnh buổi sớm. Tôi đi dọc con đường lên phía tây bắc thành phố, bâng khuâng nhớ tháng ngày rong ruổi lên huyện này, cách đây không dưới chục năm. Củ Chi là một huyện có quá nhiều thứ để nhớ trong ký ức của nhiều người, nhất là giai đoạn vắt từ chiến tranh qua hậu chiến. Mới đó mà đã gần 45 năm, đủ để một đứa trẻ mới sinh trở thành một gã trung niên, tuổi đã gần xế qua… chiều nắng quái!
Cách đây mấy hôm, ngồi vẩn vơ lục lại mấy bài báo cũ, chợt thấy bài viết về dự án nổi đình nổi đám 930 ha khoanh một vùng quy hoạch rộng thuộc H.Củ Chi được đặt tên là Khu đô thị đại học quốc tế Việt Nam, cách đây khoảng hơn mười năm. Bữa đó, ngày nhận giấy phép đầu tư, Dinh Thống Nhất ngập tràn hoa và cờ, đến mức hàng hàng lớp lớp xe hơi phải len lách chen chúc qua các con đường vòng phía trong dinh. Một dự án vô cùng lớn với tổng vốn đầu tư phát đi cho báo chí để thông tin, lên đến hơn 3 tỉ USD, chiếm trọn một vùng cách trung tâm thành phố 35 km. Dịp đó, ai cũng râm ran ca tụng cái thương hiệu, cái tên tập đoàn đa quốc gia của nước ngoài với kỳ vọng sẽ làm bật lên một sự thần kỳ cho vùng đất Củ Chi vốn quá gian lao trong chiến tranh.
Niềm tin đã... bị vuột mất ấy, bởi sau nhiều năm chẳng thấy động tĩnh gì, không chỉ riêng tôi mà có lẽ với nhiều người khác quan tâm đến dự án này, cũng ngẩn ngơ tiếc nuối. Nhưng người dân trong vùng quy hoạch thì chắc chắn sẽ giằng xé lắm nỗi đắng cay, vì bao năm họ sống trong chán ngán bởi cái bản “quy hoạch treo”. Cho đến nay, Củ Chi vẫn chẳng có dự án hoành tráng nào cỡ như vậy để bật lên được cả.
Đó là nghĩ suy khi trên xe, nhìn ra nắng vẫn trải dài những chân ruộng phía xa của các xã Tân Phú Trung, Tân Thông Hội, để ngẫm về những thứ “phù hoa” đã qua. Nhưng trước mặt tôi, những đàn bò vẫn nhởn nhơ gặm cỏ, rồi chúng lại vẫn góp phần làm nên một “thương hiệu” thực phẩm dân dã của xứ luôn được gọi là bò tơ Củ Chi!
Củ Chi,  ngày cuối năm !

KCN Tân Phú Trung được quy hoạch hàng chục năm trước

Ảnh: Trần Thanh Bình

Chuyển dịch đầu tư

Vùng tây bắc TP.HCM vốn an lành, bình lặng sau khi nước nhà thống nhất. Nhưng rồi sau đó, kênh Thầy Cai, chảy về phía QL22 thường được gọi là kênh An Hạ, một trong những con kênh lớn ở Củ Chi, chịu ảnh hưởng chế độ thủy văn của dòng sông Vàm Cỏ Đông, khoảng từ 15 năm trước, chịu sự hủy hoại của ô nhiễm môi trường từ các cơ sở công nghiệp nhỏ, nằm rời rạc ở một số khu vực. Một nhánh của kênh Thầy Cai, dùng để tưới mát cho ruộng đồng cũng đã dần bị “khai tử”. Lúc ấy, nhiều người dân luôn mong chờ trả lời câu hỏi khi họ còn “níu lại” được vài ba mảnh ruộng là: dùng nước ở đâu?
Vào khoảng trước năm 2010, một dự án nạo vét toàn diện con kênh này để cải tạo nó, phục vụ ruộng đồng cho dòng kênh xanh trở lại. Nhưng rồi, sau một thời gian, tình trạng ô nhiễm tái diễn, và người dân lại tiếp tục kêu cứu. Nguyên nhân vẫn y như cũ, là do các doanh nghiệp xả thải ra dòng kênh!
 
... Trong khoảng vài ba năm trở lại đây, khi phía đông và nam thành phố thường phải đối diện với ngập lụt mỗi mùa mưa gió triều cường, các chuyên gia quy hoạch đã lên tiếng khuyến nghị chuyển dần khai thác quỹ đất về phía tây bắc; Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng kêu gọi chuyển hướng đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, cũng như xây dựng các cụm đô thị vệ tinh lên phía tây bắc. Và những cái tên Củ Chi, Hóc Môn dần dần được nhắc lại trong các cuộc hội thảo, ngày càng dày hơn.
Cũng chính vì nhận thức phát triển cho một vùng đất, cuối tháng 9 vừa qua, lãnh đạo thành phố đã giao các cơ quan chức năng điều chỉnh quy hoạch 1/5.000 khu đô thị tây bắc TP.HCM với quy mô dân số 300.000 người và sẽ dần tăng lên 600.000 người trong tương lai, bao gồm 4 xã và TT.Củ Chi, một phần nhỏ của H.Hóc Môn.
Những tin tức mới dồn dập, “số phận” vùng đất Củ Chi bị treo lơ lửng bao năm qua, nay được nhận thức và khởi động trở lại, cho thấy tiềm năng rất lớn của vùng đất mênh mông này. Nếu như 10 năm trước, với quyết định phê duyệt quy hoạch, vùng tây bắc được xác định là hướng phát triển phụ, thì tháng 2 năm nay, đã có công văn thông báo từ trung ương cho phép TP.HCM điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Xin trích dẫn lời của một vị lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM vào cuối tháng 10 vừa qua để có thể hình dung diện mạo phát triển sau này của Củ Chi: “Căn cứ vào điều kiện địa hình cao, địa chất tốt tại khu vực tây bắc thành phố, thuận lợi để phát triển đô thị, lãnh đạo TP.HCM đã có chủ trương nghiên cứu, xem xét định hướng ưu tiên phát triển về hướng tây - tây bắc. Điều này đặc biệt phù hợp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngày càng ảnh hưởng tiêu cực tới thành phố”.

Về một ngày mai

Trong chiến tranh, Củ Chi được mệnh danh là vùng đất thép, với hệ thống địa đạo nổi tiếng. Cái tên Củ Chi cũng trải lắm thăng trầm, bởi khi thì thuộc tỉnh Hậu Nghĩa, lúc thì một phần thuộc tỉnh Bình Dương (trước năm 1975). Cho đến ngày đất nước thống nhất, Củ Chi mới được trả lại tên trọn vẹn thuộc về TP.HCM. Cái sự “lận đận” ấy không hề làm giảm đi ý chí của con người vùng đất này, kiên gan và bản lĩnh. Chịu biết bao gian lao cơ cực của một nơi được xem là vùng trắng trong chiến tranh, để rồi bật dậy đổi đời. Như những câu vọng cổ xứ này vẫn bền lâu mượt mà, sống mãi mỗi khi có dịp hội hè.
Vì vậy, với cơ hội đến trong tầm tay, vẫn tin rằng người dân nơi đây giữ được nghị lực cứng cỏi trong xây dựng quê hương để cuộc đổi đời càng thực sự như niềm mong muốn.
Như sáng nay trong ngọn nắng, nghe làn hơi xuân đã bắt đầu thoảng về đâu đó, tôi vẫn hằng hy vọng!
H.Củ Chi có diện tích tự nhiên là 435 km2, nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền Tây Nam bộ và Đông Nam bộ, ngăn cách tỉnh Bình Dương bởi sông Sài Gòn, hai phần kia giáp tỉnh Tây Ninh và Long An, có độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 8 - 10 m. Củ Chi có 21 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 1 thị trấn và 20 xã. Dân số theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2019 là 462.000 người, với mật độ dân hơn 1.000 người/km2.

Đặc sản ở Củ Chi là món bò tơ nổi tiếng được chế biến từ thịt của bò khoảng 5, 6 tháng tuổi. Ngoài ra còn có các làng nghề làm bánh tráng, trồng thuốc lá, trồng và nấu củ mì, nuôi bò sữa...
Theo. bao thanh niên
X