Banner

Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Bù Đốp tập trung kêu gọi đầu tư, phát triển các lĩnh vực: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến nông sản nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và những lợi thế hiện hữu của địa phương. Đây là tiền đề để huyện tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, ổn định và bền vững.

Khởi sắc ở huyện biên giới

Bù Đốp là huyện biên giới tiếp giáp với Campuchia, được thành lập theo Nghị định 17/2003/NĐ-CP ngày 20/02/2003 của Chính phủ, trên cơ sở tách ra từ huyện Lộc Ninh. Trong gần 20 năm thành lập và phát triển, bằng sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, Bù Đốp đã có những bước tiến quan trọng, toàn diện về kinh tế - xã hội.

Đến nay, kết cấu hạ tầng cơ sở trên địa bàn có nhiều khởi sắc; các chương trình, chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện; quốc phòng-an ninh được giữ vững ổn định; đời sống nhân dân từng bước được nâng cao.

Nổi bật là nhiệm kỳ 2015-2020, huyện đã hoàn thành tốt, vượt nhiều chỉ tiêu trên các lĩnh vực. Trong đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và phù hợp với điều kiện địa phương, cụ thể: ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 59,93%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 16,14%; ngành thương mại - dịch vụ chiếm 23,93%. Tổng thu ngân sách toàn huyện đạt 706,329 tỷ đồng (tăng 60,82% so với Nghị quyết). Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,06% (tăng gần 5% so với chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết). Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đến hết năm 2020 chỉ còn 444 hộ nghèo/16.313 hộ dân toàn huyện, chiếm 2,72%...

Trong nhiệm kỳ 2021 - 2025, huyện Bù Đốp xác định tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng ổn định và bền vững; nâng cao quy mô, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Mục tiêu của huyện đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất toàn xã hội trên địa bàn đạt 17.479,18 tỷ đồng; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 8,62% (trong đó, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 5,49%; công nghiệp - xây dựng: 14,78%; thương mại - dịch vụ:11,42%); thu ngân sách nhà nước trong cả giai đoạn đạt từ 800 đến 820 tỷ đồng; vốn đầu tư toàn xã hội 2.618,149 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 68 triệu đồng/người/năm. Huyện phấn đấu thành lập mới 80 doanh nghiệp, 8 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới...

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai phá tiềm năng

Trong giai đoạn hiện nay, ngành nông nghiệp vẫn là lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên phát triển của Bù Đốp. Trên địa bàn đã phát triển một số nông sản chủ lực như: hạt điều, hạt tiêu, cao su, cây ăn trái, chăn nuôi gia súc lớn... Một trong ba Chương trình đột phá theo Nghị quyết Đảng bộ huyện Bù Đốp lần thứ XI đã đề ra là: Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn, bền vững gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm giai đoạn 2020-2025.

Cùng với chuyển đổi cây trồng theo hướng an toàn, bền vững gắn với khoa học công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, Bù Đốp chú trọng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VIETGAP, LOBOGAP để hướng tới mỗi xã có ít nhất một sản phẩm đặc trưng. Huyện cùng tập trung đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân để có thể ứng dụng công nghệ, xây dựng chuỗi giá trị và thương hiệu cho nông sản.

Nhằm hỗ trợ phát triển và nâng giá trị ngành nông nghiệp, Bù Đốp đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản để khai thác tối đa tiềm năng vùng nguyên liệu tại địa phương. Đồng thời, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, giảm nghèo; đảm bảo an sinh xã hội; từng bước thu hẹp khoảng cách về thu nhập trong các tầng lớp dân cư.

Hiện nay, huyện đã quy hoạch cụm công nghiệp (CCN) Phước Thiện (19,94 ha)CCN Thanh Hòa (17 ha) để hình thành các cụm sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn; chế biến nông, lâm sản và sản xuất hàng tiêu dùng, gắn với khu xử lý nước thải tập trung. Bên cạnh đó, Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Hoa Lư và KKTCK Cầu Trắng trên địa bàn huyện cũng đang được đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, là những lợi thế để Bù Đốp kêu gọi đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh Tài cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác thu hút đầu tư, lãnh đạo huyện thường xuyên chỉ đạo các phòng, ban, địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và xây dựng chính quyền điện tử, đảm bảo liên thông tốt giữa cấp tỉnh, huyện, xã để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân khi thực hiện các TTHC. Tăng cường quảng bá lợi thế, tiềm năng của huyện; xây dựng các chương trình xúc tiến kêu gọi đầu tư trọng tâm, trọng điểm.

Mặt khác, Bù Đốp đã và đang tập trung phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là đường DT759 kết nối với các vùng trong và ngoài tỉnh. Thời gian tới, huyện mong muốn được tỉnh và Trung ương đầu tư tuyến quốc lộ 14C, giúp kết nối các vùng kinh tế, đặc biệt là hình thành trục kinh tế biên mậu với 3 KKTCK: Hoa Lư - Cầu Trắng - Hoàng Diệu.

Để tạo sức hút với các nhà đầu tư, lãnh đạo huyện chỉ đạo thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến tìm hiểu, đề xuất các dự án đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nếu có. Chủ động kiến nghị với UBND tỉnh và các sở ngành có các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi về thuế, tiền thuê đất; đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch; đảm bảo an ninh trật tự...

“Huyện luôn xác định thu hút đầu tư là giải pháp then chốt để phát triển kinh tế của huyện, tạo đòn bẩy cho ngành công nghiệp, nông nghiệp và du lịch Bù Đốp. Chúng tôi cũng đã thành lập Hội Doanh nghiệp huyện để tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, góp phần thúc đẩy hợp tác, tạo ra kênh kết nối xúc tiến hữu hiệu trong thu hút đầu tư vào địa phương”, ông Nguyễn Anh Tài khẳng định.


Nguồn: vccinews.vn

X