Banner

Phân đoạn đường xuyên Á đạt chuẩn cao tốc từ Cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) về TP.HCM sẽ gọi vốn nhà đầu tư quốc tế theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

đất nền củ chi

 

Cửa khẩu Mộc Bài - điểm cuối của Dự án PPP cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

 

Đóng mạch tuyến xuyên Á

Sau gần 2 năm nghiên cứu bằng nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc, lộ trình và phương án đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc TPHCM - Mộc Bài theo hình thức PPP đã bắt đầu rõ hơn.

Trong Công văn số 58/BGTVT-ĐTCT vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) gửi Thủ tướng Chính phủ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị người đứng đầu Chính phủ chấp thuận định hướng nghiên cứu đầu tư Dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo hình thức PPP, trong đó phần Nhà nước tham gia được huy động từ vốn vay ODA và vốn đối ứng.

Trong trường hợp hình thức đầu tư này được phê chuẩn, Bộ GTVT muốn được giao đứng ra làm việc với các nhà tài trợ nước ngoài (trong đó có các nhà tài trợ Hàn Quốc) để thu xếp, tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ kỹ thuật thực hiện các nghiên cứu tiếp theo của Dự án, đồng thời thu xếp nguồn vốn vay ODA cho phần vốn Nhà nước tham gia trong Dự án.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện và thẩm định Báo cáo Nghiên cứu khả thi theo quy định, bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 sử dụng nguồn vốn ODA, vốn ngân sách Trung ương của phần đối ứng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đề xuất.

Theo nghiên cứu sơ bộ, Dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có điểm đầu tại điểm giao với đường Vành đai 3 thuộc huyện Hoóc Môn (TP.HCM), điểm cuối tại Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), với chiều dài 53,5 km, tổng mức đầu tư giai đoạn I (phân kỳ 4 làn xe) khoảng 10.694 tỷ đồng.

Hiện tại Quốc lộ 22 là tuyến duy nhất nối TP.HCM với Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài. Qua số liệu điều tra, khảo sát tháng 7/2017 của công ty tư vấn cho thấy, lưu lượng xe trên Quốc lộ 22 đạt 39.700 xe/ngày đêm, đã mãn tải so với năng lực thiết kế (40.000 xe/ngày). Với mức tăng trưởng hàng năm về lưu lượng hành khách và hàng hóa đạt tương ứng 7,7% và 8,6%, lưu lượng giao thông trên toàn tuyến vận tải TP.HCM - Mộc Bài (của tất cả các tuyến, bao gồm Quốc lộ 22) đến năm 2026 và 2046 lần lượt ở mức 45.000 và 80.000 xe/ngày đêm.

Do vậy, đến năm 2025, trên tuyến vận tải này, cần có thêm tuyến cao tốc với quy mô tối thiểu 4 làn xe và sau năm 2045 tiếp tục mở rộng tuyến lên 6 làn xe. Đại diện Bộ GTVT cho biết, Chính phủ Campuchia đang nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Phnom Pênh - Bà Vẹt dài 130 km, có điểm cuối tiếp giáp biên giới Việt Nam tại Tây Ninh (cách Cửa khẩu Mộc Bài khoảng 2 km), để sớm đóng mạch toàn tuyến xuyên Á đạt chuẩn cao tốc trong khoảng 5 năm tới.

Nhà nước tham gia sâu

Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn đầu, đơn vị tư vấn Hàn Quốc chủ yếu thực hiện nghiên cứu các phương án cấu trúc tài chính ODA kết hợp PPP theo thông lệ quốc tế. Theo đó, để đảm bảo tính khả thi về tài chính và hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế, tư vấn Hàn Quốc đề xuất cần có bảo lãnh doanh thu tối thiểu (MRG) của Chính phủ khoảng 50 triệu USD cho 5 năm đầu khai thác đối với phương án đầu tư theo hình thức BOT hoặc Chính phủ thanh toán khoản thuê cố định khoảng 55 triệu USD/năm cho giai đoạn khai thác với thời hạn thuê 30 năm đối với phương án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ (BTL).

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, khung pháp lý của Việt Nam chưa cho phép cung cấp bảo lãnh doanh thu tối thiểu của Chính phủ hoặc bố trí ngân sách để thanh toán hàng năm cho cả vòng đời dự án như đề xuất của đơn vị tư vấn Hàn Quốc. Ngoài ra, nội dung nghiên cứu của tư vấn Hàn Quốc chưa tính toán tổng vốn đầu tư và phương án tài chính theo Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 về đầu tư các dự án theo hình thức PPP; chưa có nội dung phân chia trách nhiệm của các bên trong việc quản lý rủi ro phát sinh khi thực hiện dự án; chưa đánh giá lợi thế và tác động của việc thực hiện dự án theo hình thức PPP đối với cộng đồng, dân cư trong phạm vi dự án…; giá dịch vụ sử dụng đường bộ chưa phù hợp với mức giá tối đa theo Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý.

Do vậy, phương án đầu tư này phải chỉnh sửa lại, rà soát, cập nhật, bổ sung Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Theo đó, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn chế, kết quả nghiên cứu của đơn vị tư vấn Hàn Quốc và kết quả rà soát của Ban Quản lý dự án 2 đều đề xuất thực hiện dự án theo hình thức PPP có sử dụng vốn ODA, trong đó Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, đồng thời góp một phần chi phí xây dựng để đảm bảo tính khả thi về tài chính của dự án (dự kiến sử dụng nguồn vốn ODA và vốn đối ứng với tỷ lệ không quá 50% tổng vốn đầu tư).

“Hiện nay, một số nhà đầu tư nước ngoài đã quan tâm đến Dự án và sẵn sàng đầu tư nếu phương án tài chính chứng minh được tính khả thi”, ông Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Phương án tài chính Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

Tổng vốn đầu tư khoảng 10.694 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư là 5.669 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu 609 tỷ đồng, vốn vay 4.304 tỷ đồng và lãi vay trong thời gian xây dựng khoảng 754 tỷ đồng); nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia trong dự án là 5.025 tỷ đồng (trong đó, vay ODA 4.853 tỷ đồng và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước là 172 tỷ đồng).

Tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư: 11,7%/năm.

Mức lãi suất vốn vay: 10,33%/năm.

Mức giá dịch vụ theo từng giai đoạn với khởi điểm là 1.500 đồng/xe/km.

Lãi suất vay vốn trong thời gian xây dựng của nhà đầu tư: bình quân lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn của 3 ngân hàng thương mại là Vietcombank, BIDV, VietinBank.

Nguồn: Báo đầu tư

X