Banner

TOP 10 SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA BẤT ĐỘNG SẢN 2019

Từ cơn sốt đất nền vùng ven đô thị lớn đến sự sụt giảm nguồn cung nhà ở, những nốt trầm trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hay sự xuất hiện của hàng loạt đại đô thị quy mô lớn, đô thị thông minh... thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua một năm 2019 nhiều biến động. 

Dưới đây là 10 sự kiện bất động sản 2019 theo đánh giá của Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, đã phản ánh cơ bản diễn biến của thị trường trong năm qua.

Tiếp nối thành công của Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất năm 2017, tháng 11/2019, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tiếp tục tổ chức Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ hai năm 2019 - sự kiện nổi bật hàng đầu trên thị trường bất động sản Việt Nam năm qua.

Diễn đàn có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, ông Nguyễn Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, đại diện Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), Đại diện Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch... cùng các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng hoan nghênh và đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên, tạo cơ hội cho chuyên gia thảo luận, phân tích, đề xuất giải pháp, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình phát triển nhà ở và thị trường bất động sản.

Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ hai năm 2019 ghi nhận các ý kiến đóng góp tích cực về câu chuyện tìm ra giải pháp khắc phục những khó khăn vướng mắc để gia tăng động lực phát triển cho thị trường, cũng như dự báo các xu hướng có cơ hội vươn lên dẫn đầu trong tương lai.

Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên năm 2019 bao gồm phiên báo cáo chính và các phiên chuyên đề. Phiên báo cáo chính với điểm nhấn là Tọa đàm cấp cao: Tổng quan thị trường bất động sản trong năm 2019 và dự báo xu hướng thị trường năm 2020, đã ghi nhận ý kiến của đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đại diện Cục phát triển nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), lãnh đạo một số doanh nghiệp bất động sản và các chuyên gia kinh tế về tình hình phát triển thị trường bất động sản Việt Nam thời gian qua, cũng như đánh giá về những xu hướng, cơ hội và thách thức trong thời gian tới.

Hai phiên thảo luận chuyên đề: Những vướng mắc trong hoạt động của doanh nghiệp bất động sản trong năm 2019 (thủ tục hành chính, vốn, chính sách, thuế…); Xu hướng mới của thị trường bất động sản (du lịch, công trình xanh, thông minh) cũng ghi nhận các ý kiến đóng góp tích cực về câu chuyện tìm ra giải pháp khắc phục những khó khăn vướng mắc để gia tăng động lực phát triển cho thị trường, cũng như dự báo các xu hướng có cơ hội vươn lên dẫn đầu trong tương lai.

Ngày 28/11, Bộ Xây dựng công bố thông tin về tình hình nhà ở và thị trường bất động sản quý III năm 2019. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng công bố thông tin định kỳ theo quý về thị trường này.

Trước đó, câu chuyện minh bạch thông tin trên thị trường bất động sản đã được đưa ra bàn thảo nhiều lần tại các diễn đàn, hội thảo. Trong đó, Bộ Xây dựng với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường.

Tuy vậy tình trạng thông tin thị trường chưa đầy đủ, thiếu minh bạch từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án đến giao dịch bất động sản cũng là một trong những vướng mắc nổi cộm của thị trường thời gian qua, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của thị trường.

Tình trạng thông tin thị trường chưa đầy đủ, thiếu minh bạch ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của thị trường

Việc chưa có hệ thống quản lý và thống kê dữ liệu về sở hữu bất động sản, giao dịch bất động sản đồng bộ cũng ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương về lĩnh vực bất động sản.

Đại diện Bộ Xây dựng rất mong muốn công bố các thông tin để nhà đầu tư, khách hàng cũng như nhà quản lý nắm được nhưng từ trước đến nay còn chậm do quy trình mất thời gian. Theo quy định, các sở, địa phương cũng phải công bố thông tin về thị trường bất động sản và cập nhật về Bộ Xây dựng. Đến nay, tỷ lệ này đã đạt mức cao. Vì vậy hoàn toàn có thể kỳ vọng thời gian tới, các thông tin về thị trường sẽ được cập nhật ngày một đầy đủ hơn giúp thị trường minh bạch và rõ ràng, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Cuối tháng 11/2019, sự kiện chủ đầu tư dự án Cocobay thông báo chấm dứt chi trả lợi nhuận cam kết do gặp khó khăn về tài chính đã tạo nên một cú "rung lắc" khá mạnh trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và thị trường condotel nói riêng.

Cụ thể, CTCP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô - chủ đầu tư dự án Cocobay cho biết, từ đầu năm 2020, do "gặp những khó khăn về dòng tiền", công ty sẽ không chi trả thu nhập cam kết theo hợp đồng mua bán.

Thành Đô cũng đưa ra 3 nhóm giải pháp để có thể tiếp tục hợp tác kinh doanh với khách hàng.

Từng được kỳ vọng là một sản phẩm mới nhiều tiềm năng, tháng 11/2019, Cocobay đã gây một cú "sốc" với thị trường condotel

Trước đó, ở thời điểm chào bán dự án, Thành Đô cam kết mức lợi nhuận với khách hàng là 12%/năm - một con số được đánh giá là rất cao.

Sự việc của Cocobay khiến cả thị trường xôn xao, nhiều nhà đầu tư lo lắng trước nguy cơ "vỡ trận" toàn thị trường condotel. Tuy nhiên, các chuyên gia đã lên tiếng nhận định đây chỉ là một trường hợp điển hình và không có nghĩa đại diện cho cả thị trường. Việc đầu tư condotel an toàn vẫn được khuyến cáo với sự lựa chọn dự án, chủ đầu tư uy tín, mức cam kết lợi nhuận hợp lý và nằm trong khả năng. Không nên quá tham lam mức lợi nhuận "trên trời", phi thực tế dễ dẫn đến việc đổ bể.

Sự việc này cũng được đánh giá là một "khúc cua" với toàn thị trường, bởi sau giai đoạn phát triển quá nóng, đã đến lúc phân khúc condotel cần được nhìn nhận với đúng bản chất và những chủ đầu tư uy tín sẽ tiếp tục được tin tưởng, cùng với đó, những chủ đầu tư yếu về năng lực tài chính, làm ăn chộp giật sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Vụ việc Công ty CP địa ốc Alibaba, người đứng đầu là Nguyễn Thái Luyện, lừa đảo 6.700 người, thu số tiền qua giao dịch dự án ảo lên đến hơn 2.500 tỷ đồng cũng là một "cú sốc" với thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2019.

Cụ thể, anh em Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh đã chuyện nhượng một số lượng lớn đất nông nghiệp (lên đến 60ha), sau đó dùng pháp nhân của Công ty Alibaba và các công ty khác cùng hệ thống, tự ý lập hàng loạt dự án khu dân cư không có thật, phân lô trái luật, quảng cáo gian dối để lừa hàng nghìn khách hàng ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng nền đất dưới dạng thổ cư, chiếm đoạt một số lượng lớn tiền từ khách hàng.

Tính đến thời điểm bị "cắt vòi bạch tuộc", Địa ốc Alibaba đã kịp có tới 22 công ty thành viên, 2.600 nhân viên thực hiện 43 dự án phân lô bán nền tại các tỉnh thành Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, và có tới hơn 1.000 khách hàng của công ty này đã đến Công an TP.HCM trình báo.

Phải đến khi những con số "khủng" về vụ lừa đảo Alibaba bị phơi bày, nhiều khách hàng, nhiều nhà đầu tư mới tỉnh khỏi "giấc mộng làm giàu đơn giản nhờ bất động sản".

Đáng chú ý, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, dự án “Alibaba Tân Thành Center City 1" được Alibaba rao bán thực chất là khu đất 13ha do ông Nguyễn Ngọc Sự đứng tên chủ đất ở xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ.

Tại Bình Thuận, dự án đất nền "Thắng Hải Newtimes City" được Alibaba quảng cáo là siêu phẩm, là Singapore thu nhỏ tại Bình Thuận, thực chất là khu đất trồng cây keo lá tràm vẫn đang khai thác, được Nguyễn Thái Lĩnh nhận chuyển nhượng từ 3 hộ dân.

Điều đáng nói, dù chính quyền các địa phương đã liên tục ra thông báo cảnh báo, đề nghị người dân cần cảnh giác với các dự án ảo mà công ty này tự vẽ ra, nhưng vẫn có rất nhiều người "nhẹ dạ cả tin" vừa trở thành nạn nhân vừa trở thành "viên đá lót đường" cho Alibaba bành trướng. Phải đến khi những con số "khủng" về vụ lừa đảo bị phơi bày, nhiều khách hàng, nhiều nhà đầu tư mới tỉnh khỏi "giấc mộng làm giàu đơn giản nhờ bất động sản".

Từ giai đoạn cuối năm 2018 chuyển sang năm 2019, thị trường bất động sản trong nước chứng kiến sự xuất hiện của loạt siêu dự án đại đô thị với quy mô khổng lồ, tích hợp nhiều tiện ích và mang phong cách đặc trưng như Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City, Vinhomes Grand Park.

 

Theo xu hướng dịch chuyển ra khỏi vùng lõi đô thị chật chội, quá tải, đa số người mua nhà hiện tại chấp nhận di chuyển xa hơn, lựa chọn sống tại những khu đô thị mới dù xa trung tâm nhưng có quy mô hàng trăm héc-ta, mang tầm cỡ khu vực, đầy đủ hạ tầng, tiện ích.

Năm qua, nhiều nhà phát triển bất động sản hàng đầu đã sớm “đi trước đón đầu”, cho ra mắt các siêu dự án quy mô “khủng”, đa tiện ích. (Ảnh minh họa)

Nắm bắt trước được xu hướng này, các nhà phát triển bất động sản hàng đầu đã sớm “đi trước đón đầu”, cho ra mắt các siêu dự án quy mô “khủng”, đa tiện ích. Có thể kể đến Thành phố biển hồ (Vinhomes Ocean Park) với biển xanh, cát trắng, nắng vàng – những điều tưởng như không thể giữa Thủ đô Hà Nội. Hay Vinhomes Smart City – Thành phố thông minh, tiên phong ứng dụng công nghệ cao với 4 trục cốt lõi: an ninh thông minh, vận hành thông minh, cộng đồng thông minh, căn hộ thông minh để phục vụ cuộc sống cư dân. Vinhomes Grand Park – Thành phố thông minh công viên cũng là một điểm nhấn trong cuộc chạy đua phát triển các đại đô thị năm qua. Với chủ đề “thành phố của các công viên”, lần đầu tiên khách mua nhà được chứng kiến một mạng lưới công viên trong công viên ở một khu đô thị, với 15 công viên chủ đề văn hóa nghệ thuật, ánh sáng nghệ thuật, golf, aerobic, dưỡng sinh… Cùng sự phát triển ngày một bùng nổ của thị trường, trong tương lai, cư dân mua nhà sẽ ngày càng được đón nhận những sản phẩm mới đáp ứng được các tiêu chí ngày càng khắt khe hơn.

Năm 2019 được đánh giá là một năm có nhiều “nốt trầm” trên thị trường bất động sản Việt Nam. Sau giai đoạn nóng sốt ở nhiều phân khúc từ bất động sản nghỉ dưỡng đến đất nền, nhà phố… năm nay, thống kê trên các địa bàn, đặc biệt là những thị trường lớn, số lượng dự án mới rất nhỏ giọt, nguồn cung căn hộ chạm đáy trong 4 năm. Cụ thể, theo ghi nhận từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, tính đến tháng 9/2019, thị trường TP.HCM tiếp tục xu thế bị sụt giảm, chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%; không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư; chỉ có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72% và chỉ có 24 dự án được cấp phép xây dựng, giảm khoảng 38%, so với cùng kỳ năm 2018. Đồng thời, chỉ có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, với 19.662 căn nhà, giảm 58,44% về số lượng dự án và giảm 30,56% về số lượng căn nhà so với năm 2018.

“Tắc nghẽn” nghiêm trọng trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đã tác động đến nguồn cung và giao dịch nhà ở (Ảnh minh họa)

Tại Hà Nội, theo công bố của Sở Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn Thành phố có 26 dự án bất động sản đủ điều kiện mở bán, với tổng số lượng hơn 17.400 sản phẩm cả chung cư và nhà thấp tầng. 

Theo các đơn vị nghiên cứu thị trường như Savills, CBRE, JLL, hay Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 6 dự án mới thuộc phân khúc căn hộ tham gia vào thị trường Hà Nội, còn lại chủ yếu là các dự án cũ mở bán các đợt tiếp theo, hoặc mở bán nốt những căn xấu còn sót lại.

“Tắc nghẽn” nghiêm trọng trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đã tác động đến nguồn cung và giao dịch nhà ở. Quý II/2019 các đơn vị ghi nhận nguồn cung căn hộ ở cả Hà Nội và TP.HCM thấp nhất kể từ 2014. Tới quý III, nguồn cung được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp so với cùng thời điểm năm 2018.

Nguyên nhân được chỉ ra là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật. Trước bối cảnh này, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về bức tranh thị trường năm 2020 bởi nguy cơ sụt giảm nguồn cung sẽ làm thị trường càng thêm trầm lắng.

Trong 20 năm qua, Việt Nam đã từng bước trở thành một trong những điểm sáng công nghiệp của khu vực Đông Nam Á. Từ một thị trường chỉ có 335 ha đất được dành riêng cho hoạt động sản xuất công nghiệp vào năm 1986, đến năm 2018, con số này đạt hơn 80.000 ha. Sự tăng trưởng ngoạn mục có được nhờ vào sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, định hướng xuất khẩu, các hiệp định thương mại tự do được ký kết, cùng các vùng kinh tế trọng điểm được thành lập đã góp phần tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi với nguồn lao động dồi dào.

Trong tương lai, bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ còn nhiều hơn nữa những cơ hội bứt phá

Bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng thời gian qua khiến giới nghiên cứu tin rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi bởi các nhà sản xuất dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á có chi phí thấp hơn. Trong cuộc cạnh tranh này, Việt Nam có nhiều lợi thế so với các nước trong khu vực bởi quỹ đất dồi dào, dân số trẻ, mức chi phí cạnh tranh, giá rẻ không chỉ về đất mà còn chi phí về nhân công, chưa kể hạ tầng của Việt Nam cũng được đầu tư bài bản (5,8% GDP) và chính sách hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài thông thoáng, đặc biệt là tình hình kinh tế chính trị ổn định.

Trong tương lai, bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ còn nhiều hơn nữa những cơ hội bứt phá và chúng ta sẽ trở thành điểm đến chiến lược, là "công xưởng" mới cho các nhà sản xuất quốc tế.

Chủ trương siết tín dụng bất động sản của NHNN là câu chuyện được bản thảo nhiều lần trên các diễn đàn bất động sản những năm gần đây. Từ Thông tư 36 đến Thông tư 06 và Dự thảo sửa đổi Thông tư 36, câu chuyện vốn bất động sản vẫn được nhắc lại nhiều lần.

Mới đấy nhất, tháng 11/2019, NHNN đã ban hành Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đáng chú ý, nhà điều hành tiếp tục siết mạnh với cho vay bất động sản khi chính thức đưa ra lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn. Cụ thể, từ 1/1/2020 - 30/9/2020 tỷ lệ này là 40%; 1/10/2020 - 30/9/2020 là 37%; 1/10/2021 - 30/9/2022 là 34% và kể từ 1/10/2022 sẽ giảm xuống còn 30%.

Có nhiều ý kiến lo ngại việc kiểm soát vốn tín dụng sẽ dẫn đến tình trạng thị trường nghẽn mạch, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển dự án mới

Đặc biệt, bên cạnh việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước còn tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.

Các khoản phải đòi được đảm bảo toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay và đáp ứng một trong các điều kiện theo quy định sẽ có hệ số rủi ro 50%.

Cách kiểm soát này được nhận định là thuận theo xu thế chung của thị trường bất động sản thế giới cũng như phù hợp với bối cảnh hiện nay của Việt Nam, giúp minh bạch và thanh lọc thị trường. Tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến lo ngại việc kiểm soát vốn tín dụng sẽ dẫn đến tình trạng thị trường nghẽn mạch, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển dự án mới. Để chống chọi trước tình trạng này, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến dòng vốn khác như phát hành trái phiếu. Trong tương lai, giải pháp này có thể được coi là giúp khắc phục phần nào những khó khăn về tín dụng trên thị trường.

Cùng sự bùng nổ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, câu chuyện phát triển đô thị thông minh đã được nhắc đến tại các quốc gia trên thế giới. Nhiều nước đã thực sự tham gia vào cuộc chạy đua này với nhiều dự án chiến lược mang tầm quốc gia cùng với sự hỗ trợ, đầu tư mạnh mẽ từ Chính phủ.

Việt Nam cũng đã xác định, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thành phố thông minh là một yêu cầu tất yếu của phát triển. Tháng 8/2018, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với quy mô 272ha, dự án thành phố thông minh Nhật Tân - Nội Bài được kỳ vọng sẽ trở thành hình mẫu đi đầu của cả nước về một thành phố thực sự mang lại cuộc sống mới.

Hà Nội đã bắt đầu đưa một số thành tố của đô thị thông minh vào triển khai trong thực tế. Ví dụ như: ứng dụng tìm kiếm điểm đỗ xe qua thiết bị di động - iParking; ứng dụng tìm kiếm, sử dụng xe buýt - Timbuyt; bản đồ số các điểm ngập úng...

Bên cạnh đó, có thể kể đến dự án đô thị thông minh trục Nhật Tân - Nội Bài của Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumimoto (Nhật Bản) kết hợp triển khai, thực hiện. Ngày 6/10/2019, dự án chính thức được động thổ, khởi công. Với quy mô 272ha, dự án thành phố thông minh Nhật Tân - Nội Bài được kỳ vọng sẽ trở thành hình mẫu đi đầu của cả nước về một thành phố thực sự mang lại cuộc sống mới. Tất yếu đầu tiên chính là một đô thị có thể hóa giải áp lực của sự quá tải về mặt hạ tầng và quy hoạch. Viễn tưởng từng cho rằng đô thị thông minh chỉ có trên thế giới đã dần bị xóa bỏ khi dự án Thành phố thông minh được vẽ lên chi tiết, rõ ràng, đầy đủ về một chốn an cư lạc nghiệp thực thụ.

Sự chuyển hướng sang các khu vực vùng ven đô thị lớn đã bắt đầu từ năm 2017 và nở rộ từ năm 2018 đến nay. Nhiều nhà đầu tư đã và đang có hướng đầu tư mạnh theo xu hướng này. Chính vì vậy, khi thông tin bốn huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm (Hà Nội) được đề xuất lên quận vào năm 2020, giá đất tại các khu vực này nhanh chóng tăng vọt. Chưa kể phần lớn trong số đó là bị "cò" thổi lên cao hơn so với giá trị thực tế. Có những khu vực, giá đất bị "hét" cao gấp 1,5 - 2 lần, nhưng giá giao dịch hầu như không tăng hoặc tăng không đáng kể (khoảng 5%).

Trong cơn sốt, có những khu vực, giá đất bị "hét" cao gấp 1,5 - 2 lần, nhưng giá giao dịch hầu như không tăng hoặc tăng không đáng kể

Việc "sốt ảo" này tại các huyện ở Hà Nội được đánh giá khá giống tại Củ Chi, Hóc Môn (TP.HCM). Việc giá bán tăng chủ yếu do “cò” hoặc nhà đầu tư đã có các dự án hoặc nguồn hàng hiện hữu ở đây. Từ các thông tin chính thống, giới cò đất tung tin thất thiệt, kể cả lợi dụng các tin đồn để kích giá, thổi giá, đẩy giá, tạo sóng lướt sóng... cò đất đã trục lợi tối đa để đẩy hàng thị trường đất nền ở các quận ven và các huyện ngoại thành.

Trước tình trạng trên, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng, không nên chạy theo tin đồn, những giá trị ảo mà cần nhìn vào tiềm năng phát triển thực tế để tránh rủi ro. Bên cạnh đó, cần xem xét kỹ quy hoạch hạ tầng, chú trọng tính pháp lý trước khi xuống tiền đầu tư, để tránh những bài học đáng tiếc như trong quá khứ.

Nguồn: tạp chí điện tử reatimes

X